Ngay sau khi BizLIVE đăng tải bài viết “Một loạt công ty chứng khoán lớn đang đối mặt nguy cơ rủi ro ngân hàng ngầm”, toà soạn đã nhận được bài viết của tác giả Lâm Quý với những phân tích sâu về khuôn khổ pháp lý về câu chuyện này.
Theo Hội đồng ổn định tài chính quốc tế FSB, ngân hàng ngầm có 4 đặc điểm sau:
(1) Dịch chuyển kỳ hạn (maturity transformation): lấy nguồn tiền ngắn hạn đi đầu tư vào các tài sản dài hạn.
(2) Dịch chuyển thanh khoản (liquidity transformation): đây là khái niệm tương tự như dịch chuyển kỳ hạn, nhưng chi tiết hơn là sử dụng các khoản nợ giống như tiền mặt (thanh khoản cao) để mua các tài sản rất khó bán đi (thanh khoản thấp hơn) như các khoản tín dụng.
(3) Đòn bẩy (leverage): vay mượn thêm tiền để mua tài sản nhằm khuếch đại lợi nhuận (lỗ) đầu tư tiềm năng.
(4) Chuyển rủi ro tín dụng (credit risk transfer): chuyển rủi ro người đi vay bị vỡ nợ từ người cho vay ban đầu sang người khác.¬
Vì vậy, để xem xét một công ty chứng khoán nào có hoạt động ngân hàng ngầm hay không cần phải xem xét, phân tích các yếu tố kể trên, trong đó chỉ số dễ thấy nhất là so sánh tỷ lệ Tài sản dài hạn/Tài sản ngắn hạn.
Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp nói chung và các công ty chứng khoán nói riêng phải tuyệt đối tuân thủ các qui định pháp luật như: Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2011 về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư 211/2012/TT-BTC ngày 5 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 90, và các luật chuyên ngành; chịu sự giám sát, quản lý của Bộ Tài chính và UBCKNN, các yêu cầu của pháp luật bao gồm nhưng không giới hạn bởi điều kiện phát hành trái phiếu, tính đầy đủ của hồ sơ phát hành, các nghĩa vụ công bố thông tin.
Ngoài ra, việc quản lý giám sát của các cơ quan chức năng không chỉ diễn ra trước và tại thời điểm phát hành mà còn xuyên suốt trong suốt thời hạn hiệu lực của trái phiếu để đảm bảo thông tin minh bạch, năng lực tài chính lành mạnh của tổ chức phát hành và tính tuân thủ cao trong thời hạn hiệu lực của trái phiếu. Mục đích phát hành được yêu cầu phải nêu rất rõ trong phương án phát hành và các tài liệu phát hành nhằm đảm bảo tính minh bạch thông tin. Các nhà đầu tư được thông báo đầy đủ các thông tin này trước khi ra các quyết định đầu tư.
Cần lưu ý rằng, theo qui định tại điều 42 của Thông tư Số: 210/2012/TT-BTC ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá ba (03) lần. Qui định này nhằm mục đích hạn chế rủi ro trong hoạt động của các công ty chứng khoán.
Trên thực tế, việc phát hành trái phiếu của các công ty chứng khoán chủ yếu rơi vào kỳ hạn ngắn 1-2 năm với mục tiêu bổ sung nguồn vốn cho vay ký quỹ. Việc này giúp các công ty chứng khoán chủ động hơn về nguồn vốn, không phải phụ thuộc nhiều vào ngân hàng, từ đó thực hiện hiệu quả hơn vai trò tạo lập thị trường, tăng tính thanh khoản cho thị trường – điều mà Chính phủ và cơ quan quản lý thị trường đang hết sức mong muốn.
Hiện nay nghiệp vụ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) là nghiệp vụ được cấp phép bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài Chính) và chịu sự giám sát chặt chẽ của UBCK theo Quyết định Số: 637/QĐ-UBCK ngày 30 tháng 08 năm 2011. Điều 11 của Quyết định 637/QĐ-UBCK qui định danh mục các mã chứng khoán cho vay là danh mục do các sở giao dịch chứng khoán cung cấp, còn tỷ lệ cho vay tối đa đối với các mã này cũng được UBCKNN quy định tại điều 16 của Quyết định 637 nói trên.
Ngoài ra, các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ cho vay margin cũng phải tuân thủ điều khoản về các hạn mức cho vay đối với margin quy định tại điều 13 của Quyết định này.
Cụ thể: (a) Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán; (b) Tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ đối với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu; (c) Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ đối với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu; (d) Tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.
Để ngăn ngừa và kiểm soát chặt chẽ rủi ro, các công ty chứng khoán có hoạt động cho vay ký quỹ phải báo cáo thường xuyên, định kỳ cho UBCKNN hoạt động này của mình.
Với một khung khổ pháp lý đầy đủ như đã nói ở trên cùng với sự giám sát chặt chẽ của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, không dễ để các công ty chứng khoán thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng ngầm.
LÂM QUÝ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc