Chia sẻ:

3 yếu tố khiến chứng khoán Việt Nam được chú ý

Diễn biến trên được coi là đáng chú ý với một “thị trường kém năng động, trong một nền kinh tế mạnh nhưng khả năng đầu tư thấp”, theo lời của Dan Fineman và các nhà phân tích của Credit Suisse Group AG khác. Vậy, điều gì đã dẫn đến sự hứng khởi này?

 

 

Có ba yếu tố tạo nên sự thay đổi. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Hệ thống ngân hàng, với những khoản nợ xấu lớn nhất ở Đông Nam Á vào năm 2012, hiện nay đã trở nên “sạch” hơn và phát triển nhanh chóng trở lại.

 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), một trong những ngân hàng cho vay đã giảm nợ xấu từ mức 5% vào năm 2013 xuống chỉ còn 1,4%. Cho vay tín dụng tăng trở lại từ dưới 5 tỷ USD lên gần 12 tỷ USD.

 

Thứ hai là Chính phủ Việt Nam đã nghiêm túc hơn về vấn đề tư nhân hóa.

 

Đầu tháng này, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tiến hành bán 3,33% cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM, Vinamilk) cho một công ty con của Tập đoàn Jardine Matheson Holdings Ltd. Tập đoàn đang niêm yết tại Singapore này, đã sở hữu 10% vốn của Vinamilk và đang trong tiến trình mua thêm cổ phần.

 

 

Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB, Sabeco) cũng đang trong quá trình triển khai bán cổ phần Nhà nước. Chính phủ Việt Nam đang tổ chức buổi roadshow tại Singapore vào tuần trước, nhằm tìm kiếm NĐT tiềm năng để thoái vốn.

 

Yếu tố cuối cùng là việc Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng điện tử và điện thoại thông minh của châu Á.

 

Lĩnh vực xuất khẩu số một của Việt Nam hiện không còn là dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê hay hạt điều mà là linh kiện điện từ, các bộ phận của smartphone, kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này đã tăng 29% trong năm nay lên 36,5 tỷ USD.

 

Quỹ Credit Suisse hiện có khoản đầu tư vào CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) – doanh nghiệp sở hữu nhiều khu công nghiệp và là đối tác của các hãng công nghệ lớn như LG Electronics, Canon và Foxconn Technology.

 

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh có thể thúc đẩy các nước châu Á, các thị trường như: Singapore, Thái Lan, Indonesia và Philippines, mang tới cho nhà đầu tư những cơ hội lớn.

 

Với 3,3 tỷ USD thu về từ việc bán cổ phần trong năm qua – bao gồm đợt IPO của Vincom Retail (cổ phiếu của đơn vị này đã tăng 26% trong chưa đầy 1 tháng sau khi lên sàn), Việt Nam đã trở thành thị trường IPO lớn thứ ba ở Đông Nam Á sau Singapore và Malaysia.

 

Bên cạnh đó, thương vụ IPO giá trị 300 triệu USD của Ngân Hàng TMCP Phát triển TP HCM (OTC: HDBank) có thể sẽ được thực hiện trước khi kết thúc năm 2017.

 

Trong sự hưng phấn của thị trường, dòng vốn đầu trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 12% với 16 tỷ USD chảy vào thị trường, tương đương 8% tổng GDP trị giá 203 tỷ USD của Việt Nam, con số đó không nhỏ.

 

Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao hơn và đất nước với 96 triệu dân có thể tạo ra một tầng lớp trung lưu khá lớn – xu thế này hiện đang mở rộng.

 

Một điều tương tự cũng đang diễn ra trên thị trường tài chính. Các nhà phân tích của Credit Suisse ước tính rằng có 12 cổ phiếu với khối lượng giao dịch 3 triệu USD/ngày chưa được nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Vào năm 2015, chỉ có một hoặc hai cổ phiếu như vậy.

 

Theo đó, Việt Nam có thể không còn được xem là một thị trường cận biên.

Phan Tùng/ Theo Bloomberg


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.